3. ĐIỀU TRỊ BẮC CẦU KHÁNG ĐÔNG ĐƯỜNG TIÊM CHU PHẪU
Khi đã quyết định ngưng kháng đông đường uống quanh thời gian phẫu thuật, bước kế tiếp là phát triển chiến lược sẽ: 1) giảm thiểu nguy cơ huyết khối chu phẫu trong khi ngưng kháng đông đường uống; và 2) giảm thiểu nguy cơ xuất huyết chu phẫu.
3. ĐIỀU TRỊ BẮC CẦU KHÁNG ĐÔNG ĐƯỜNG TIÊM CHU PHẪU
Khi đã quyết định ngưng kháng đông đường uống quanh thời gian phẫu thuật, bước kế tiếp là phát triển chiến lược sẽ: 1) giảm thiểu nguy cơ huyết khối chu phẫu trong khi ngưng kháng đông đường uống; và 2) giảm thiểu nguy cơ xuất huyết chu phẫu. Tác dụng kháng đông của kháng vitamin K cần thời gian dài để biến mất khi ngưng và mất thời gian dài để có hiệu lực điều trị khi khởi trị lại. Vì vậy, các bệnh nhân sử dụng kháng vitamin K có nguy cơ biến cố thuyên tắc huyết khối cao hơn có thể có lợi từ bắc cầu kháng đông đường tiêm chu phẫu.
Đánh giá nguy cơ huyết khối và nguy cơ xuất huyết là cần thiết để xác định nhu cầu điều trị bắc cầu khi ngưng kháng vitamin K. Mặc dù thời gian ngưng kháng đông đường uống và quyết định bắc cầu kháng đông đường tiêm dựa vào nguy cơ ước đoán của thuyên tắc huyết khối nhưng không có phác đồ đánh giá có giá trị để xác định nguy cơ này. Tuy không được công nhận trong tình huống chu phẫu nhưng thang điểm CHA2DS2-VASc có thể được sử dụng để đánh giá nguy cơ huyết khối của bệnh nhân. Khi nguy cơ huyết khối gia tăng, nhu cầu bắc cầu kháng đông trở nên rõ ràng trừ khi hiện diện nguy cơ xuất huyết.
3.1 Ngưng và bắc cầu kháng đông ở bệnh nhân sử dụng kháng vitamin K
3.1.1 Bệnh nhân có nguy cơ huyết khối thấp
Nguy cơ huyết khối dài hạn ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim tăng tỉ lệ thuận với điểm số CHA2DS2-VASc, đặc biệt ở các bệnh nhân với tiền sử đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não, hoặc thuyên tắc hệ thống. Đối với bệnh nhân có điếm CHA2DS2-VASc ≤ 4 và không có tiền sử đột quỵ thiếu máu não cục bộ hoặc cơn thoáng thiếu máu não, nguy cơ huyết khối là thấp (< 5%/năm). Các bệnh nhân này có thể ngưng kháng vitamin K trước phẫu thuật. Trong hầu hết tình huống, kháng đông đường tiêm tiền phẫu hoặc hậu phẫu không được khuyến cáo.
Hướng dẫn của đồng thuận ACC về xác định tính thích hợp của bắc cầu kháng đông ở bệnh nhân sử dụng kháng vitamin K có nguy cơ thuyên tắc huyết khối thấp:
Đối với các bệnh nhân có nguy cơ thuyên tắc huyết khối thấp (< 5%/năm) với điểm CHA2DS2-VASc ≤ 4 và không có tiền sử đột quỵ thiếu máu não cục bộ, cơn thoáng thiếu máu não hoặc thuyên tắc hệ thống, ngưng kháng vitamin K trước phẫu thuật mà không bắc cầu kháng đông.
3.1.2 Bệnh nhân có nguy cơ huyết khối trung bình
Đối với những người có nguy cơ huyết khối trung bình với điểm CHA2DS2-VASc 5 đến 6 hoặc tiền sử đột quỵ thiếu máu não cục bộ, cơn thoáng thiếu máu não hoặc thuyên tắc hệ thống (≥ 3 tháng trước), điều quan trọng là đánh giá nguy cơ xuất huyết của bệnh nhân để quyết định tiếp cận tối ưu đối với điều trị kháng đông chu phẫu. Ở nhóm này, các bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết cao nên ngưng kháng vitamin K mà không bắc cầu kháng đông đường tiêm. Đối với những người với nguy cơ xuất huyết không có ý nghĩa tạm ngưng kháng vitamin K, bắc cầu kháng đông: 1) nên được thực hiện ở người có tiền sử đột quỵ hoặc cơn thoáng thiếu máu não; và 2) nên ngưng ở những người không có tiền sử đột quỵ hoặc cơn thoáng thiếu máu não.
Hướng dẫn của đồng thuận ACC về xác định tính thích hợp của bắc cầu kháng đông ở bệnh nhân sử dụng kháng vitamin K với nguy cơ thuyên tắc huyết khối trung bình (5% đến 10%/năm), điểm CHA2DS2-VASc 5 đến 6 hoặc tiền sử đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não hoặc thuyên tắc động mạch ngoại biên (≥ 3 tháng trước).
Xác định nguy cơ xuất huyết của bệnh nhân để xác định tính thích hợp của điều trị bắc cầu.
1. Nếu tăng nguy cơ xuất huyết, khuyến cáo ngưng kháng vitamin K mà không bắc cầu.
2. Nếu không có nguy cơ xuất huyết đáng kể:
a. Ở bệnh nhân có tiền sử đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não, hoặc thuyên tắc hệ thống, xem xét sử dụng kháng đông đường tiêm để bắc cầu chu phẫu (sử dụng đánh giá lâm sàng, có thể bắc cầu);
b. Ở bệnh nhân không có tiền sử đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não, hoặc thuyên tắc hệ thống, không khuyên cáo sử dụng kháng đông đường tiêm để bắc cầu chu phẫu (sử dụng đánh giá lâm sàng, có thể không bắc cầu).
3.1.3 Bệnh nhân có nguy cơ huyết khối cao
Nhìn chung, các bệnh nhân có nguy cơ huyết khối cao đối với đột quỵ hoặc thuyên tắc hệ thống như người có điểm CHA2DS2-VASc ≥ 7 hoặc tiền sử biến cố huyết khối gần đây (trong vòng 3 tháng) nên được xem xét điều trị bắc cầu. Đối với người có biến cố huyết khối gần đây (trong vòng 3 tháng), phẫu thuật chương trình nên được trì hoãn ra khỏi khoảng thời gian này nếu có thể. Đối với người có tiền sử xuất huyết nội sọ gần đây (trong vòng 3 tháng), nên thực hiện phẫu thuật mà không bắc cầu hoặc chỉ bắc cầu sau phẫu thuật. Ở bệnh nhân nguy cơ xuất huyết cao nhưng không có xuất huyết nội sọ gần đây, bác sĩ đánh giá lâm sàng để quyết định điều trị bắc cầu.
Hướng dẫn của đồng thuận ACC về xác định tính thích hợp của bắc cầu ở bệnh nhân sử dụng kháng vitamin K với nguy cơ thuyên tắc huyết khối cao:
Đối với bệnh nhân nguy cơ cao đột quỵ hoặc thuyên tắc hệ thống (> 10%/năm) với điểm CHA2DS2-VASc7 đến 9 hoặc tiền sử đột quỵ thiếu máu não cục bộ, cơn thoáng thiếu máu não hoặc thuyên tắc hệ thống gần đây (trong vòng 3 tháng), nên xem xét bắc cầu kháng đông đường tiêm.
Theo timmachhoc.vn
PK Đức Tín
Tin tức liên quan
Điện thoại bàn: (028) 3981 2678
Di động: 0903 839 878 - 0909 384 389